75% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm

09/03/2024 07:31

Trước đây khi nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư vú còn hạn chế, chỉ 30% bệnh nhân được phát hiện sớm. Tính đến năm 2023, thông tin từ Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng lên 75%.

75% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm

Người dân khám sàng lọc ung thư vú. NGUỒN: Bệnh viện K.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025”, do Tổng Hội Y học Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%. Ở nước ta, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

TS Khoa nêu thực trạng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện như nhiều năm trở lại đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Song do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một số phụ nữ, không đi khám sàng lọc định kỳ để được phát hiện sớm nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam ghi nhận 24.563 ca mắc mới ung thư vú, với hơn 10 nghìn ca tử vong, trong đó hầu hết là phụ nữ, Đề án Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025” lần đầu tiên đã được triển khai tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước, gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, với mục tiêu giúp bệnh nhân ung thư vú có cơ hội được tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến thông qua mô hình tiếp cận toàn diện.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, đề án này được xây dựng với 4 cấu phần với sự tham gia của nhiều đối tác liên quan. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực trong cải thiện công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý ung thư vú tại Việt Nam.

Đồng thời, Đề án cũng đã tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị tại 5 bệnh viện thuộc Đề án; tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Viện Ung thư quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú; tăng tỷ lệ tiếp cận của bệnh nhân ung thư vú có HER 2 dương tính với các liệu pháp điều trị tiên tiến; hàng trăm y bác sĩ cũng đã được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn cho điều trị đa mô thức đối với bệnh lý ung thư vú và tăng cường năng lực nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện…

Đáng lưu ý, nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận của bệnh nhân ung thư vú có HER2 dương tính với các liệu pháp điều trị tiên tiến, Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam cùng với chuyên gia của các trường Đại học Dược Hà Nội, Y tế công cộng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế hoàn thành 11 nghiên cứu về kinh tế y tế, bao gồm các nghiên cứu tổng quan về chính sách chi trả cho tầm soát và điều trị ung thư vú ở các nước, nghiên cứu đánh giá chi phí hiệu quả và tác động ngân sách của một số thuốc điều trị ung thư vú.

Cũng từ các nghiên cứu này, Tổng hội Y học Việt Nam và Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng đã đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu phương án chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc ung thư vú cho những người có nguy cơ cao, cũng như chi trả bảo hiểm y tế cho một số thuốc điều trị ung thư vú để giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Theo Nguồn daidoanket.vn

75% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm - Sức Khỏe