Tốt nghiệp chuyên khoa Phụ sản, ra trường Bác sĩ Đồng Minh (SN 1958) – Trưởng phòng khám khoa Phụ Sản thuộc Hội KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế được tuyển dụng vào làm việc tại trung tâm sức khỏe sinh sản. Sau một thời gian gắn bó ông được biệt phái qua văn phòng KHHGĐ miền Trung.
Thời điểm ấy Trung ương hội KHHGĐ Việt Nam thành lập 3 văn phòng trực thuộc ở khu vực Bắc, Trung, Nam trong đó văn phòng miền Trung đóng tại Thừa Thiên Huế.
Ngày đầu về làm việc, ông được phân công làm cán bộ quản lý các chương trình của văn phòng từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Khoảng năm 1993 Trung ương hội bỏ chủ trương các văn phòng, thay vào đó cho xây dựng và dần hình thành, phân cấp các tỉnh hội hoạt động tại các địa phương trên cả nước.
Bác sĩ Đồng Minh – Trưởng phòng khám khoa Phụ Sản thuộc Hội KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế
Những ngày tháng làm việc tại tỉnh hội, ông thấm thía cuộc sống đầy khó khăn của những người dân lao động nghèo đặc biệt là những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Khi có chủ trương bỏ hoạt động tại các văn phòng, ông Minh đã làm đơn trình xin thành lập phòng khám chuyên khoa Phụ Sản trực thuộc Hội KHHGĐ đầu tiên tại khu vực miền Trung có địa chỉ tại 28B Lê Lợi, thành phố Huế với mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể.
“Nếu khám ở bệnh viện những người không có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn sẽ phải trả một khoản phí rất đắt. Vì vậy, khi mở phòng khám này tôi mong muốn có thể giúp họ bớt đi khó khăn phần nào”, Bác sĩ Minh chia sẻ.
Do phòng khám hoạt động theo cơ chế tự thu chi, nên ông đưa ra những quy định về giá rất rõ ràng cho những bệnh nhân đến khám. Đối với những người bệnh khó khăn, người nghèo ông khám chữa miễn phí đến khi khỏi bệnh. Số tiền đó ông dùng để trang trải phòng khám, mua trang thiết bị và thuốc thang cho mọi người.
“Có ai mà không cần tiền đâu nhưng làm thầy thuốc phải sống bằng cái tâm chứ không thể sống vì tiền được. Không thể đổ thừa tại hoàn cảnh, tất cả phải xuất phát từ tấm lòng của người thầy thuốc thì bệnh nhân người ta mới yên tâm chữa trị được”, BS. Minh nói
Phòng khám chuyên khoa Phụ Sản thuộc Hội KHHGĐ tại địa chỉ 230 Chi Lăng, thành phố Huế
Suốt 30 năm nay, ngoài những ngày làm việc tại phòng khám, Bác sĩ Minh đã cùng đồng nghiệp trong Hội KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế còn thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn thăm khám sức khỏe sinh sản miễn phí cho hàng trăm nghìn người dân trên địa bàn tỉnh.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 30 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ Minh kể, thời điểm năm 2010, trong một lần tổ chức hoạt động thăm khám, tư vấn chăm sóc SKSS ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), có trường hợp người phụ nữ đứng tuổi được phát hiện bị u gan. Biết kết quả ông đề nghị bà chuyển lên truyến trên kiểm tra nhưng bà vẫn khăng khăng không tin mình mắc bệnh vì thấy cơ thể khỏe mạnh.
“Khi nghe có khối u ở gan bà ấy một mực không tin, phần sợ không sống được nhưng tôi bảo đó chỉ là u lành tính, chỉ cần theo dõi và điều trị sớm sẽ nhanh khỏe. Sau 3 tháng được phát hiện và điều trị kịp thời, bà ấy đã khỏe trở lại”, Bác sĩ Minh cười cho biết.
Thêm 1 trường hợp nữa được bác sĩ Minh nhắc đến cũng làm trong lĩnh vực y tế, bị u máu lành tính. Đó là khi siêu âm chỉ có hình đen trắng nên ông đã yêu cầu bệnh nhân chuyển tuyến trên để xét nghiệm, khẳng định lại. Tuy nhiên, khi đến một cơ sở y tế khác thăm khám thì lại không phát hiện bệnh.
Cuối cùng, để chính xác bệnh nhân đã lên bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra và được chẩn đoán u lành tính. Bệnh nhân sau đó đã được điều trị khỏi.
Bác sĩ Minh thăm khám, tư vấn sức khỏe sinh sản miễn phí cho người dân
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân đặc biệt là những người phụ nữ vùng sâu, vùng xa, Bác sĩ Minh là một trong những người tiên phong và thường xuyên về địa phương khám miễn phí, tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà con. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây vì sức khỏe không cho phép nên ông không thể làm tiếp công việc vốn yêu thích của mình.
“Việc thăm khám đối với người đồng bào, dân tộc thiểu số rất vất vả nhưng cũng vui lắm, vì chỉ có bác sỹ họ mới cho khám, chứ còn thực tập viên khám họ không đồng ý. Có người còn hoài nghi cho rằng máy siêu âm sai, bác sĩ phải đưa tay lên thể trước mặt mới tin”, Bác sĩ Minh nhớ lại những ngày đi thăm khám cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn thường xuyên đến phòng khám của Bác sĩ Minh để thăm khám vì ở đây bệnh nhân được coi như người nhà. Mọi thắc mắc đều được tư vấn và giải đáp tận tình. Bác sĩ còn chia sẻ phương pháp phòng bệnh, tự cấp cứu.
Khi được hỏi bao giờ sẽ thôi việc thăm khám cho người nghèo, bác sĩ Minh quả quyết: “Tôi sẽ làm đến khi mình nhắm mắt xuôi tay mới thôi”.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng Bác sĩ Minh vẫn miệt mài và tâm huyết với việc khám bệnh miễn phí cho người nghèo, thói quen đã theo ông suốt 30 năm nay.
Chính từ những lần tham gia tư vấn sức khỏe sinh sản tại các thôn làng nên Bác sĩ Minh đã được người dân quý trọng, họ dần ý thức và quan tâm hơn đến các vấn đề về sức khỏe, qua đó chăm sóc tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Nguyễn Hiền