Nhà đầu tư chứng khoán giận dữ với cách vận hành 'kỳ lạ' của thị trường

09/06/2021 14:54
Sự bất ổn của hệ thống giao dịch, tình trạng nghẽn, chậm phản hồi đang đẩy nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường.

Sự bất ổn của hệ thống giao dịch, tình trạng nghẽn, chậm phản hồi đang đẩy nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường.

"Hệ thống bị sao vậy?", "Tại sao lệnh tôi đặt không đi?", "Em ơi hủy giúp anh lệnh đang chờ bán được không, giá giảm quá rồi mà lệnh vẫn chưa nhận?" - Những câu hỏi như vậy dồn dập gửi tới Thu Hằng, Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán gần đây khi tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE ngày càng phức tạp.

Từ đầu tuần này, gần như trong phiên giao dịch, Hằng không rời khỏi điện thoại. Thị trường biến động nhanh, nhưng bảng giá không kịp cập nhật, lệnh đặt không đi, khiến nhiều nhà đầu tư giận dữ. Họ không biết phải trút giận vào đâu, ngoài nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư yêu cầu công ty phải cho lệnh chạy ngay lập tức, họ còn đòi yêu cầu bồi thường vì thiệt hại đến giao dịch.

"Mỗi lệnh mua, lệnh bán ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của nhà đầu tư. Thị trường biến động nhanh, chỉ cần một phút đã thay đổi rất nhiều mà giờ nhiều khi lệnh đặt 15 phút chưa đi, nhà đầu tư nổi giận cũng là điều dễ hiểu", Hằng nói. Cô cũng không biết phải làm sao cho nhà đầu tư "hạ hỏa", ngoài việc giải thích về vấn đề nằm ở hệ thống và công ty chứng khoán cũng không biết làm cách nào khác.

Nhà đầu tư chứng khoán giận dữ với cách vận hành 'kỳ lạ' của thị trường

Nhà đầu tư giao dịch tại trụ sở một công ty chứng khoán trên đường Pasteur, quận 1, TP HCM đầu năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Với những nhà đầu tư, không phải tự nhiên họ có tâm lý như vậy.

Tham gia thị trường gần 6 năm, Thanh Tùng nói rằng chưa khi nào việc đặt lệnh mua, bán lại gây ra sự "ức chế" như vậy.

Chữ "Chờ gửi" trên hệ thống đặt lệnh cũng trở thành cụm từ ám ảnh. Trong trạng thái bình thường, lệnh đặt từ các công ty chứng khoán gần như ngay lập tức sẽ được chuyển vào hệ thống, độ trễ chỉ tính bằng mili giây (ms). Nhưng khi hệ thống bị chậm, thời gian chờ gửi lệnh có khi tới 10-15 phút. Trong lúc lệnh "Chờ gửi", nhà đầu tư không được hủy, sửa lệnh, dù thị trường có thay đổi diễn biến như thế nào.

Phiên 8/6 khi thị trường giảm mạnh, để bảo toàn lợi nhuận với một số mã ngân hàng, Tùng quyết định bán. Khi thấy cổ phiếu mình cầm giảm hơn 3%, Tùng đặt lệnh giới hạn (LO) - lệnh xác định giá mua hoặc bán và chỉ khớp tại mức giá này hoặc tốt hơn. Nhưng mất gần 15 phút để nhập vào hệ thống, giá cổ phiếu đã giảm hơn 4%. Sợ đà giảm còn mạnh hơn, Tùng sửa thành lệnh MP, nhưng cũng phải đợi gần 20 phút để hệ thống gửi yêu cầu hủy lệnh cũ, đặt lệnh mới, đến khi khớp được, giá cổ phiếu gần chạm sàn.

Việc hệ thống gặp vấn đề, bảng giá sai lệch, cũng làm ảnh hưởng tới phán đoán của nhà đầu tư. Do bảng giá không hiển thị chính xác lệnh mua cao nhất và lệnh bán thấp nhất, nhà đầu tư không thể xác định lực cung và cầu đang như thế nào.

"Giao dịch cổ phiếu hiện nay như 'đánh cờ mù' vì bảng giá các công ty chứng khoán không phản ánh chính xác giao dịch của cổ phiếu. Thấy cơ hội, đặt được lệnh cũng chưa có gì là chắc chắn", Tùng nói. "Khi thị trường biến động nhanh, đợi lệnh được nhập vào hệ thống thì thị giá đã thay đổi tới vài phần trăm. Con số này là thiệt hại, bởi nếu hệ thống thông suốt, nhà đầu tư đã không chịu mức giá chênh như vậy".

Không riêng Thanh Tùng, tâm lý giận dữ, ức chế cũng xuất hiện ở nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường hiện nay. Trên các diễn đàn, nhiều người còn kêu gọi rời khỏi thị trường cho tới khi hệ thống thông suốt trở lại.

Chỉ trong cuối giờ sáng nay (9/6), địa chỉ trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) trên Google Map đã bị hơn 1.500 lượt đánh giá 1 sao, hạ mức điểm trung bình còn 1,1. Chủ yếu đánh giá đến từ những nhà đầu tư cá nhân trên một diễn đàn về chứng khoán.

Những vấn đề của hệ thống, vẫn là một bài toán chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Những giải pháp tạm thời, như chặn hủy/sửa lệnh trong những khung giờ nhất định, chỉ mang tính tình thế. Giờ hy vọng của thị trường để khắc phục tình trạng này là hệ thống giao dịch tạm thời do FPT đang xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 7. Cho tới thời điểm đó, những nhà đầu tư còn bám trụ tự khuyên nhau rằng phải tìm cách "sống chung với lũ".

"Hệ thống bị lỗi là thực trạng chung, những ai giao dịch thì đều bị cả, hay xem mình là người may mắn nếu lệnh được gửi đi nhanh", Tùng nói.

Minh SơnTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Nhà đầu tư chứng khoán giận dữ với cách vận hành 'kỳ lạ' của thị trường - Giải Trí